Có đến 298 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nợ các tổ chức tín dụng từ 100 tỉ đồng trở lên, với tổng dư nợ là 125.141 tỉ đồng tính đến ngày 30.11.2012 . Đó là những con số do Ngân hàng Nhà nước trình lên...
Có đến 298 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nợ các tổ chức tín dụng từ 100 tỉ đồng trở lên, với tổng dư nợ là 125.141 tỉ đồng tính đến ngày 30.11.2012 . Đó là những con số do Ngân hàng Nhà nước trình lên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hồi cuối tháng 1.
Nợ nần, chi phí lãi vay đang là vấn đề đau đầu của các ông chủ doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp sống khỏe do không chịu áp lực trả lãi vay. Tập đoàn Đất xanh là một trong số đó.
Một dự án do Coteccons thi công
Theo báo tài chính quý III/2012, tổng nợ vay của Đất Xanh lên đến 111 tỉ đồng. Trong đó, hai chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng VietinBank với 71,5 tỉ đồng và MHB 36,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính quý IV vừa công bố, số nợ này đã trở về con số 0, khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ.
Không chỉ thoát nợ, Đất Xanh còn chớp cơ hội mua lại các dự án bất động sản khác. Tại buổi gặp mặt báo chí cuối năm, ông Lương Trí Thìn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất Xanh, cho biết Tập đoàn vừa mua lại toàn bộ dự án chung cư 3,6 ha tại phường Hiệp Bình Phước - Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM, do Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) làm chủ đầu tư. Đất Xanh cũng sẽ mua lại dự án chung cư thứ hai trong năm 2013. Chi tiết về thương vụ này chưa được công bố, chỉ biết dự án gồm 4 khối nhà được xây dựng trên khu đất rộng 3,2 ha tại quận Gò Vấp, TP.HCM.
Nếu như Đất Xanh phải đến quý IV mới thoát khỏi cảnh nợ nần thì Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm đã không còn nợ ngân hàng đồng nào kể từ quý II/2012. Không những vậy, Công ty còn sống khỏe nhờ có nguồn thu nhập đều đặn từ lãi tiền gửi với lượng tiền mặt gửi ngân hàng là 228 tỉ đồng.
Lĩnh vực xây dựng phần lớn cũng chịu chung số phận khi hoạt động kinh doanh thường gắn liền với với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec (Coteccons) có lẽ là trường hợp ngoại lệ.
Không chỉ có kết quả kinh doanh tốt (năm 2012 doanh thu đạt 4.477 tỉ đồng và lợi nhuận là 218 tỉ đồng), Coteccons cũng không nợ ngân hàng. Kể từ quý III/2011 đến nay, trong các báo cáo tài chính, phần về chi phí lãi vay luôn được để trống. Đã vậy, Coteccons còn nắm giữ lượng tiền mặt lên đến 681 tỉ đồng. Số tiền này có thể giúp Công ty xoay vòng thực hiện các dự án mà không phải đi vay.
Để trở thành doanh nghiệp không nợ cũng không phải là điều dễ dàng. Coteccons, chẳng hạn, đã phải dùng đến vốn chủ sở hữu, tiền trả trước của khách hàng và giữ lại lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư. Đây cũng là cách làm của Công ty Phát triển Đô thị Từ Liêm.
Thế nhưng, trong bối cảnh kinh doanh không thuận lợi, cách làm này không đủ để giúp doanh nghiệp thoát khỏi nợ nần. Vì thế, bên cạnh việc sử dụng vốn chủ sở hữu, một số doanh nghiệp đã bán cổ phần cho các nhà đầu tư có tiềm lực.
Năm ngoái, Coteccons đã bán 24,7% cổ phần cho Tập đoàn Kusto của Nga, thu về 25 triệu USD. Theo ông Nguyễn Bá Dương, Tổng Giám đốc Coteccons, đây là một quyết định khó khăn của ông và ban lãnh đạo Công ty. Nhưng ông cũng cho rằng đây là quyết định sáng suốt, giúp Công ty ổn định được tình hình tài chính để vượt qua khủng hoảng.
Mặc dù không nói cụ thể, nhưng ông Thìn, Đất Xanh, cũng cho biết để cơ cấu lại nợ, Tập đoàn đã tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu và bán cổ phần ở các công ty con. Sau khi phát hành cổ phiếu, Đất Xanh cho biết đã có thêm nhà đầu tư chiến lược mới. Cụ thể là Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Phương đã mua 1,2 triệu cổ phiếu, Ngân hàng Việt Á mua 1,1 triệu cổ phiếu. Đất Xanh cũng đón thêm 2 cổ đông mới là ông Trần Việt Anh và bà Vũ Thị Quỳnh mua lần lượt 3,9 triệu cổ phiếu và 3,8 triệu cổ phiếu.
Những thông tin này đã phần nào xóa bỏ dự đoán trước đó của nhà đầu tư về khả năng các chủ nợ của Đất Xanh (VietinBank và MHB) chuyển nợ thành vốn góp.
Theo công bố của Đất Xanh, tổng thu ròng từ đợt phát hành cổ phiếu là 100 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí phát hành, còn lại gần 99,8 tỉ đồng. Trước đó, Đất Xanh cũng đã bán 60% vốn góp tại Công ty Du lịch Thương mại Sản xuất và Xây dựng Lý Khoa Nguyên, thu được 47 tỉ đồng.
Trong lúc thị trường bất động sản chưa thể ấm lên do nguồn cung ồ ạt, sức mua yếu, doanh nghiệp nợ ngập đầu, kinh tế vĩ mô còn khó khăn, việc các doanh nghiệp bất động sản không vay nợ đã trở thành những điểm sáng trên thị trường.
Tuy nhiên, trong kinh doanh, việc sử dụng đòn bẩy tài chính là chuyện bình thường, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, nơi thường sử dụng vốn theo tỉ lệ 3:7 (30% vốn tự có và 70% vốn vay). Đôi khi nếu chỉ lo phòng thủ, doanh nghiệp có thể sẽ bỏ qua những cơ hội tốt để phát triển kinh doanh.
Tác giả: Nguyễn Hùng